Tết Trung thu sắp đến rồi phải không? Còn gì tuyệt vời hơn khi cùng gia đình nhâm nhi món bánh Trung thu thập cẩm và trên tay là tách trà ấm nóng nhỉ! Vậy làm thế nào để có được những chiếc bánh trung thu thập cẩm thơm ngon đó, các bạn hãy đọc bài viết dưới đây nhé!
1. Bánh trung thu thập cẩm
Nguyên liệu để làm Bánh trung thu thập cẩm
Các nguyên liệu cần chuẩn bị cho 10 cái bánh gồm có:
- Bột mì đa dụng 300 gr (bột mì số 11)
- Bột bánh dẻo 10 gr
- Lạp xưởng 100 gr (đã luộc chín và cắt hạt lựu)
- Hạt dưa 100 gr (tách vỏ)
- Hạt điều 100 gr
- Hạt sen 100 gr
- Mứt bí 100 gr
- Mứt vỏ cam 100 gr
- Mứt vỏ chanh 100 gr
- Mứt gừng 100 gr
- Mè trắng 100 gr
- Chanh 1/2 quả
- Rượu mai quế lộ 50 ml
- Nước hoa bưởi 1 muỗng cà phê
- Nước tro tàu 1 muỗng cà phê
- Trứng gà 2 quả
- Dầu mè 20 ml
- Dầu ăn 110 ml
- Đường 500 gr
- Muối 1 muỗng cà phê
Mách bạn cách chọn mua hạt sen thơm ngon
- Bạn nên chọn hạt sen già vì khi nấu lên sẽ thơm ngon hơn hạt sen non. Cách nhận biết hạt sen già là nó có hình dáng tròn, màu trắng ngà hoặc vàng đậm.
- Bạn tuyệt đối không nên chọn hạt sen bị dính nước vì hạt sẽ dễ bị thâm và mau héo. Đồng thời tránh chọn hạt sen bị thâm, vỏ xanh bên ngoài nhăn nheo.

Các dụng cụ cần thiết để thực hiện
Các dụng cụ cần thiết để thực hiện bao gồm lò nướng, lò vi sóng, nồi, tô, muỗng, cây cán bột, khuôn làm bánh, …
Chú ý: Có thể dùng lò nướng thùng thay thế nồi nướng thủy tinh.
Các bước để chế biến Bánh trung thu thập cẩm
Bước 1: Nấu nước đường
Bạn bắc nồi lên bếp và cho vào 300 ml nước. Bật lửa lên, đồng thời cho vào 500 gr đường cùng ½ nước cốt chanh (vắt nửa quả).
Đun hỗn hợp đó trên lửa vừa, trước khi đường tan hết thì bạn tuyệt đối không được khuấy lên. Khi thấy nước đường đã sôi, bạn hạ nhỏ lửa và tiếp tục đun trong 55 – 60 phút, sau đó bạn tắt bếp và để nguội.

Bước 2: Làm nhân bánh
Bạn cho vào tô khoảng 100gr hạt dưa tách vỏ cùng với 100gr hạt điều và 100gr mè trắng rồi trộn đều tay. Sau khi trộn xong, bạn sấy khô hạt trong lò vi sóng trong thời gian 4 phút ở công suất trung bình.

Tiếp theo là bạn cho thêm 100gr hạt sen, 100gr mứt bí, 100gr mứt vỏ cam, 100gr mứt vỏ chanh, 100gr mứt gừng cùng với 100gr lạp xưởng luộc chín cắt hạt lựu, 50ml rượu mai quế lộ, 20ml dầu mè, 1 muỗng cà phê nước hoa bưởi, 10gr bột bánh dẻo và muỗng cà phê muối vào tô.
Tiến hành trộn đều hỗn hợp đến khi nhân bánh hòa quyện hoàn toàn.
Bước 3: Làm vỏ bánh
Bạn lấy 1 tô mới và cho vào 300gr bột mì, 200ml nước đường đã nấu, 80ml dầu ăn và 1 muỗng cà phê nước tro tàu. Bạn lại làm bước trộn đều tất cả các nguyên liệu cho đến khi chúng kết dính lại với nhau.
Sau đó là bạn dùng tay nhào bột đến khi chúng tạo thành khối đồng nhất, dẻo mịn và không dính tay là đạt.

Bước 4: Tạo hình cho bánh
Bạn chia bột vỏ bánh và nhân bánh sao cho đều thành 10 phần bằng nhau rồi vo tròn.
Tiếp đến là bạn dùng cây cán mỏng bột vỏ bánh rồi cho nhân vào giữa và bạn túm kín mép bột lại rồi vo tròn.

Cuối cùng là bạn cho bánh vào khuôn ấn chặt để tạo hình. Cứ làm tương tự đến khi hết phần vỏ bánh và nhân bánh còn lại.
Bước 5: Nướng bánh
Trước khi nướng bánh, bạn phải làm nóng lò nướng thủy tinh trước ở nhiệt độ khoảng 200 độ C trước đó 10 phút.
Tiếp theo là bạn xếp các chiếc bánh đã được tạo hình vào lò và nướng trong 10 phút ở nhiệt độ 200 độ C. Kế đến là bạn mở lò và xịt phun sương nước lọc lên mặt bánh rồi để nguội.

Bạn lấy tay khuấy tan 2 quả trứng gà cùng 2 muỗng canh dầu ăn và sau đó bạn lọc hỗn hợp qua rây phết đều lên mặt bánh. Bạn tiếp tục nướng bánh trong lò thêm 10 phút nữa ở nhiệt độ 200 độ C là hoàn thành xong.
Sau khi bánh đã chín thì bạn nhẹ tay lấy bánh ra và để nguội. Bước cuối cùng đây rồi! Bạn nhẹ tay cắt bánh ra cho vừa ăn và thưởng thức thôi.
Thành phẩm
Bánh trung thu thập cẩm sau khi hoàn tất sẽ có vỏ bánh bên ngoài vàng nâu, đẹp mắt. Về vị, khi ăn vào sẽ mềm tan, beo béo hòa quyện cùng nhân thập cẩm giòn ngọt và bùi bùi thơm ngon.

2. Bánh trung thu thập cẩm (công thức được chia sẻ từ người dùng)
Nguyên liệu làm Bánh trung thu thập cẩm (công thức được chia sẻ từ người dùng) (Cho 10 cái bánh 150gr)
- Bột mì đa dụng 320 gr (bột mì số 11)
- Bột bánh dẻo 50 gr
- Lạp xưởng 300 gr
- Trứng muối 10 cái
- Trứng gà 2 quả
- Mứt tắc 100 gr
- Mứt sen 100 gr
- Mứt bí 100 gr
- Hạt dưa 100 gr (tách vỏ)
- Hạt điều 100 gr
- Hạt bí xanh 100 gr
- Mè trắng 100 gr
- Trầm bì 100 gr
- Sữa tươi không đường 20 ml
- Rượu mai quế lộ 50 ml
- Rượu trắng 100 ml
- Bơ lạt 50 gr
- Chanh 1 quả
- Dầu ăn 50 ml
- Đường cát trắng 1 kg
- Nước tương 5 muỗng canh
Mách bạn cách chọn mua nguyên liệu ngon
Các mẹo để chọn mua trứng gà tươi ngon
- Những quả trứng mà có lớp phấn mỏng màu trắng ở bên ngoài, sờ vào có cảm giác ram ráp hoặc nặng tay thì đó là trứng mới. Không nên mua những quả trứng gà để lâu trong ổ, không được ngon, Đó là khi vỏ trứng nhẵn bóng, sáng hoặc có vết rạn nứt.
- Cách để nhận biết trứng cũ, để lâu ngày là cầm quả trứng để lên tai, lắc nhẹ thì nó có tiếng động. Nếu thấy thấy trứng chuyển động mạnh có nghĩa là trứng hỏng, gà đang ấp dở,…
- Bạn cũng có thể dùng dung dịch muối 10% để thả trứng vào. Nếu thấy trứng chìm xuống đáy nước thì tức là trứng mới đẻ trong ngày. Trường hợp trứng đã để quá 5 ngày là trứng sẽ nổi lên mặt nước.
Các mẹo để chọn mua trứng muối thơm ngon

- Bạn nên chọn quả trứng có lớp vỏ nguyên vẹn và không có vết rạn hoặc đốm nổi mốc.
- Bạn dùng đèn để soi trứng hoặc giơ lên dưới ánh sáng mặt trời. Trứng có chất lượng tốt là lòng trắng trứng trong, lòng đỏ trứng thu nhỏ và áp sát vào vỏ.
- Bạn nên bỏ quả trứng này nếu đập trứng ra mà phát hiện lòng trắng có màu đục, lòng đỏ mỏng và có mùi hôi.
- Ngoài ra, để đảm bảo an toàn cho sức khỏe và chất lượng, bạn có thể tự làm trứng muối tại nhà theo công thức mà chúng tôi đã hướng dẫn.
Dụng cụ thực hiện
Các dụng cụ cần thiết để thực hiện món này là lò nướng, tô, muỗng, nồi, khuôn làm bánh, cây cán bột,…
Các bước để chế biến Bánh trung thu thập cẩm (công thức được chia sẻ từ người dùng)
Bước 1: Làm nước đường nướng bánh
Bạn cho nồi lên bếp và cho vào 1kg đường. Bạn đổ 600ml nước lọc cùng nước cốt của 1 quả chanh. Bạn tiến hành nấu hỗn hợp trên với lửa lớn đến khi đường sôi và tan hết.
Tiếp đến là bạn cho vào thêm vỏ chanh đồng thời tiếp tục nấu trên lửa nhỏ khoảng từ 45 – 55 phút đến khi nước đường chuyển sang màu vàng nâu và sệt lại như mật ong là đạt.

Lưu ý:
- Bạn nhớ úp mặt chanh xuống khi cho vỏ chanh vào để nước đường được ngon và thơm hơn.
- Bạn tuyệt đối không được dùng đũa hay muỗng để khuấy vì sẽ dễ gây ra tình trạng lại đường khi nước đường đã sôi.
- Nhớ là phải thường xuyên để mắt đến nước đường để vớt bỏ bọt bẩn trên mặt đi.
Bước 2: Ủ nước đường
Bạn chuẩn bị một tô lớn để đổ nước đường vừa nấu vào. Sau đó là bạn cho thêm 30ml dầu ăn, 50gr bơ lạt và 1 lòng đỏ trứng gà vào tô.
Bạn lấy đũa hoặc máy khuấy đều cho hỗn hợp hòa quyện và ủ từ 30 – 40 phút.

Bước 3: Chuẩn bị nhân
Đầu tiên là bạn tách trứng muối để lấy phần lòng đỏ và tiếp theo là rửa bằng rượu trắng để khử mùi tanh.
Bước tiếp theo là bạn cắt nhỏ các nguyên liệu như lạp xưởng, mứt bí, mứt tắc và trầm bì.
Bạn lại giã nát hạt điều và mứt sen. Công việc tiếp là rang chín hạt dưa, hạt bí xanh và mè trắng.
Bạn bắc chảo lên bếp rồi cho vào 50ml rượu mai quế lộ, 50ml rượu trắng, 5 muỗng canh nước tương, 6 muỗng canh nước đường đã ủ cùng hỗn hợp mứt và các loại hạt đã chuẩn bị.

Trên lửa nhỏ, bạn đảo đều hỗn hợp đến khi hỗn hợp hơi ấm tay. Kế đến, bạn cho từ từ 50gr bột bánh dẻo vào và tiếp tục bạn đảo đến khi nhân dính với nhau.
Bước 4: Trộn vỏ bánh
Bạn cho vào tô 320gr bột mì với hỗn hợp nước đường đã ủ còn lại. Dùng đũa khuấy đều hỗn hợp đến khi chúng hòa quyện. Sau đó, bạn dùng tay nhào cho bột tạo thành khối dẻo mịn.
Tiếp đến là bạn bọc kín bột bằng màng bọc thực phẩm và để bột nghỉ 30 phút trước khi tạo hình.

Lưu ý: Bạn chỉ nhào vừa đủ để bột tạo thành khối và không nhào theo kiểu bánh mì, bánh bao để bột không bị chai, đóng bánh và bánh sau khi nướng bị cứng.
Bước 5: Tạo hình bánh
Bạn chia vỏ bánh và phần nhân thành nhiều phần với định lượng vỏ 60gr, nhân 90gr rồi vo tròn.
Bạn cán mỏng bột vỏ bánh, cho nhân vào giữa rồi túm kín mép bột và vo tròn lại.
Kế đến, bạn thoa một lớp dầu ăn mỏng vào khuôn bánh và cho bánh vào ấn chặt nhằm tạo hình cho bánh.

Bước 6: Nướng bánh
Làm cho nóng lò nướng trước ở nhiệt độ 200 độ C trong thời gian 15 phút.
Bạn khuấy tan hỗn hợp phết bánh gồm 20ml sữa tươi không đường, 1 lòng đỏ trứng gà, 1/3 lòng trắng trứng và 1 vài giọt nước tương (hoặc nước lọc) nhé!
Việc đầu tiên là bạn cho bánh vào nướng lần 1 ở 200 độ C trong 15 phút để cho mặt bánh hơi vàng là chuẩn.
Sau đó, bạn lấy bánh ra và xịt phun sương nước lọc lên mặt bánh rồi để nguội. Tiếp theo, bạn phết 1 lớp mỏng hỗn hợp sữa trứng đã khuấy lúc trước lên mặt bánh.
Tiến hành cho bánh vào lò, nướng lần 2 ở 180 độ C trong thời gian 10 phút. Sau khi hoàn tất, bạn lấy bánh ra xịt nước và để nguội là hoàn tất.

Thành phẩm
Bạn nên để bánh qua một đêm rồi mới thưởng thức để bánh đạt được độ mềm ẩm, thơm ngon nhé!

Nhâm nhi trà nóng cùng món bánh trung thu thập cẩm có vỏ bánh vàng nâu đẹp mắt, mềm ẩm vừa ăn hòa quyện cùng nhân thập cẩm bùi béo, thơm lừng là ngon hết chỗ chê!
Cách giúp bạn thực hiện thành công
- Muốn vỏ bánh bị nứt thì bạn không nướng quá lâu.
- Để bánh không bị nứt mặt nhanh thì bạn đừng quên phun nước lên bề mặt bánh.
- Bạn không nên phết nhiều hỗn hợp trứng lên mặt bánh vì điều đó sẽ khiến cho bánh bị mất vân trang trí.
- Bạn cần đợi bánh nguội rồi mới quét khi muốn phết trứng lên mặt bánh, chính nhiệt độ cao sẽ khiến mặt bánh bị lợn cợn, không đẹp mắt và làm cho trứng bị chín bên trong.
Các cách để chọn mua lạp xưởng thơm ngon
- Về màu sắc: Lạp xưởng ngon sẽ có màu đỏ hồng tươi, có thể thấy được độ trong của phần thịt bên trong và không sử dụng phẩm màu.
- Về mùi hương:Lạp xưởng đó ngon nếu có mùi hương đặc trưng từ rượu, gia vị và hạt tiêu.
- Phần vỏ bọc bên ngoài của lạp xưởng: Phần vỏ bọc của lạp xưởng thường được làm từ ruột heo. Do đó, bạn nên để ý xem phần vỏ này có khô ráo hay có dấu hiệu mốc hay không khi mua nhé
- Về nhân thịt: Phần nhân thịt phải có phần vỏ gắn chặt, thịt mịn, màu sắc đồng đều và mùi vị thơm ngon khi được cắt lát.
- Về nguồn gốc: Tìm các thương hiệu có uy tín trên thị trường, bao bì đóng gói cẩn thận và có hút chân không để ngăn chặn nấm mốc, vi khuẩn khi chọn mua các sản phẩm lạp xưởng.
- Ngoài ra, bạn cũng có thể thử làm lạp xưởng tại nhà để đảm bảo an toàn tuyệt đối.
Vậy rượu mai quế lộ là rượu gì? Mua chúng ở đâu?
- Rượu mai quế lộ còn được gọi với cái tên khác là rượu thơm, là một loại rượu gia vị dùng để nấu ăn và nó có nguồn gốc từ Trung Quốc.
- Rượu được làm từ đường phèn và hoa hồng dựa theo công thức chính cống của Trung Hoa. Sau đó, đem rượu đi chưng cất nên có vị ngọt dịu và mùi hương nồng nàn.
- Bạn hoàn toàn có thể tìm mua rượu mai quế lộ ở các cửa hàng bán rượu, một số cửa hàng bán nguyên liệu làm bánh hoặc tự làm tại nhà đấy.
Các cách để chọn các loại hạt, mứt hạt ngon để làm bánh
- Bạn nên mua các loại hạt, mứt đã được đóng gói sẵn trong bao bì, có nhãn mác và ghi hạn sử dụng đầy đủ, rõ ràng.
- Tuyệt đối không mua các gói mứt có dấu hiệu nổi mốc trắng, xanh, đen hoặc hạt đã bị rách, hết hạn sử dụng.
- Bạn nên tìm mua các loại hạt, mứt làm bánh tại các cơ sở uy tín, chất lượng để đảm bảo an toàn tuyệt đối và chất lượng.
Vừa ăn bánh Trung thu thập cẩm vừa thưởng thức ly trà nóng thì còn gì tuyệt vời hơn phải không. Nếu chưa biết cách làm bánh thì hãy xem bài viết này nhé! Chúc các bạn thành công với những chiếc bánh Trung thu của mình!
Xem thêm:
- Cách nướng bánh trung thu bằng lò vi sóng cực đơn giản tại nhà
- Cách làm bánh trung thu Đài Loan nướng nhân chà bông trứng muối
- Cách làm bánh trung thu trứng muối tan chảy kiểu Hồng Kông
- Cách làm bánh trung thu Tiramisu đơn giản, thơm ngon
- Cách làm bánh trung thu khoai lang tím thơm dẻo ngon không cần lò nướng
- Cách làm bánh trung thu Hàn Quốc – Songpyeon thơm ngon và đẹp mắt
Bình luận